Để “săn” được một công việc ưng ý thì hồ sơ xin việc hay còn gọi là CV cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ấn tượng đầu tiên với các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi viết CV bạn nên lưu ý những điều dưới đây:
1. Thông tin cá nhân
Phần này thường bao gồm họ tên, địa chỉ, ngày sinh, số điện thoại và địa chỉ email. Có thể thêm ảnh ở góc trên bên phải nhưng cần lưu ý một điều là bạn sẽ làm việc cho công ty nước ngoài hay công ty trong nước. Vì một số quốc gia vẫn còn phân biệt chủng tộc việc để ảnh vào CV có thể sẽ khiến CV của bạn bị loại trừ ngay lập tức. Vì thế, nếu bạn có mong muốn làm việc ở một quốc gia khác, hãy tìm hiểu về nền văn hóa của đất nước đó trước khi viết CV nhé. Ở Việt Nam thì bạn có để ảnh hoặc không để ảnh đều không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng CV.
2. Tiểu sử và mục tiêu nghề nghiệp
Đây không phải là phần thiết yếu, nhưng một khi bạn đã lựa chọn để đưa vào CV thì phải thật sự làm cho mọi thứ nổi bật chứ không thể quá bình thường như: “I am an excellent communicator who is good at team work…”.
Khi nói về tiểu sử, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy những kĩ năng và thành tích của bạn, hãy khẳng định vì sao họ nên lựa chọn bạn thay vì những ứng cử viên khác. Trong phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn chỉ cần tập trung vào định hướng và khát vọng trong tương lai của mình. Hãy vận dụng lối viết ngắn gọn súc tích, tập trung vào những điều cần thiết, tránh dài dòng lê thê.
3. Kinh nghiệm làm việc
Bạn nên cố gắng kết nối kỹ năng mà bạn có được với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ: bạn đã từng làm vị trí phục vụ trong nhà hàng, tuyệt đối không nêu cụ thể việc lau bàn hay dọn dẹp mà thay vào đó hãy nâng tầm công việc của mình như “supplying a good quality service to clients”. Hãy cố gắng đề cập đến những kỹ năng của con người thông qua những công việc bạn đã làm trước đó.
4. Trình độ học vấn
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, có bảng điểm tốt thì đừng ngần ngại khoe với nhà tuyển dụng. Nếu bạn đã có bằng cấp và kinh nghiệm làm việc thì hãy ghi những bằng cấp thực sự quan trọng cho công việc ứng tuyển của mình, cũng có thể nhấn mạnh thêm bạn đã sử dụng những kiến thức đó vào công việc như thế nào.
5. Kỹ năng
Hãy liệt kê tất cả những kỹ năng mà bạn có như kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng máy tính,v.v… đây là phần quan trọng và thường được các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm khi nhìn vào CV ứng tuyển của ứng cử viên.
6. Sở thích
Đây chỉ là yếu tố phụ để giúp nhà tuyển dụng hiểu được phần nào về tính cách, sở thích của bạn. Vì thế, nên ngắn gọn và đi thẳng vào ý chính. Bạn nên liệt kê nhiều sở thích khác nhau, tránh việc xoay quanh một sở thích cố định. Nhưng cũng không liệt kê quá nhiều hoặc những sở thích đặc biệt. Có thể những sở thích đặc biệt sẽ giúp bạn nổi bật hơn những người khác nhưng cũng sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đang cố thể hiện.
Một nguyên tắc quan trọng để viết CV là tính chân thực. Đừng hư cấu nội dung vì một số nhà tuyển dụng kỹ tính sẽ có cách để chứng thực những bằng cấp, kinh nghiệm làm việc trước đó của bạn.